Bài giảng văn hóa doanh nghiệp Chương IV đi sâu vào việc xây dựng môi trường làm việc tích cực và giá trị cốt lõi trong tổ chức. Đây là phần nội dung quan trọng giúp người học hiểu rõ vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Khái niệm doanh nhân
Thương nhân là cá nhân từ 18 tuổi trở lên, có hành vi dân sự đầy đủ, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đủ điều kiện để kinh doanh thương mại theo quy định của pháp luật. Nếu có yêu cầu hoạt động thương mại thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thương gia là thương nhân ở quy mô và tầm vóc lớn hơn.
Nhà quản lý là người thực hiện chức năng quản lý. Trong kinh doanh, họ là nhà quản trị doanh nghiệp, là người chịu trách nhiệm điều hành công việc của doanh nghiệp một cách có mục tiêu, tổ chức và phương pháp.
Giám đốc doanh nghiệp là chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc là người được chủ sở hữu doanh nghiệp ủy quyền. Họ là người hoạch định quản lý điều hành một doanh nghiệp và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình, cho dù doanh nghiệp này thuộc loại hình sở hữu như thế nào.
Chủ doanh nghiệp là người tổ chức được một doanh nghiệp bằng nguồn lực của người đó, hoặc bằng nguồn lực huy động hoặc cả hai. Chủ doanh nghiệp tham gia quản trị khai thác nguồn lực trực tiếp hoặc gián tiếp.
Nếu phân tích từ “doanh nhân” thì “doanh” là lãi, “nhân” là người.
Như vậy, “doanh nhân” là người làm kinh doanh để kiếm lời, mà muốn có lãi hay lời thì buộc người đó phải sản xuất, buôn bán. Vì thế, người kinh doanh xem lời lãi là nhu cầu, mục đích và động cơ để hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sự phát triển đa dạng của nền kinh tế đang tăng trưởng cho phép những người tham gia, sở hữu và điều hành doanh nghiệp, tham gia vào việc lấy và thực hiện các quyết định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp đều có thể được xem là doanh nhân.
Những cổ đông của doanh nghiệp, những nhà quản trị chuyên nghiệp, những thương nhân đều có thể là doanh nhân. Song điều đó không có nghĩa là các cổ đông hay nhà quản trị doanh nghiệp đều là doanh nhân. Những cổ đông không tham gia điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh thì không được gọi là doanh nhân.
Doanh nhân là những người làm kinh doanh, là chủ thể lãnh đạo, chịu trách nhiệm và đại diện cho doanh nghiệp trước pháp luật và xã hội.
Doanh nhân có thể là chủ một doanh nghiệp, là người sở hữu và điều hành, chủ tịch công ty, giám đốc công ty hoặc là cả hai.

Vai trò của doanh nhân trong sự phát triển kinh tế
Doanh nhân là lực lượng chủ yếu làm ra của cải vật chất và giải quyết công ăn việc làm cho xã hội, góp phần tích cực vào quá trình chuyển biến nền kinh tế.
Doanh nhân là người kết hợp và sử dụng các nguồn lực tối ưu nhất.
Doanh nhân là người sáng tạo sản phẩm, dịch vụ, phương thức sản xuất mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển.
Doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa và xã hội.
Doanh nhân là những người giáo dục, đào tạo cho những người dưới quyền, góp phần phát triển nguồn nhân lực.
Doanh nhân có vai trò tham mưu cho nhà nước về đường lối sách lược để góp phần phát triển chiến lược kinh tế.

Lý luận cơ bản về văn hóa doanh nhân
Theo nghĩa rộng, văn hóa là toàn bộ hệ thống các giá trị tinh thần và vật chất do con người sáng tạo ra. Chúng bao gồm các dân tộc, các quốc gia, các tổ chức và cá nhân trải qua hàng ngàn năm lịch sử.
Do vậy, doanh nhân không thể đứng ngoài tiến trình văn hóa của dân tộc, của tổ chức, của bản thân. Chính doanh nhân còn là một nhà sáng tạo nên các giá trị văn hóa, thông qua hoạt động sống và làm việc của mình.
Theo nhà nghiên cứu tổ chức Nguyễn Tất Thịnh: “Văn hóa của một cá nhân là những hiểu biết cơ bản trên bình diện rộng về thế giới tự nhiên và xã hội của một cá nhân.
Văn hóa có được trong suốt quá trình sống, học tập, tu dưỡng của một người, trở thành nhân sinh quan, phẩm chất thấu suốt, có tính nền tảng trong hành vi, tư duy và tình cảm, hướng cá nhân đó trở lại thế giới tự nhiên, xã hội và thế giới tâm linh”.
Với tư cách của một doanh nhân, văn hóa cá nhân là yếu tố cơ bản làm nên một sự nghiệp có bản sắc, có tính nhân văn trong hoạt động kinh doanh, là hạt nhân sáng tạo.
Theo quan điểm của Trung tâm Văn hóa doanh nhân: “Văn hóa doanh nhân là chuẩn mực của hệ thống giá trị hội tụ đủ bốn yếu tố Tâm, Tài, Trí, Đức”.
Theo quan điểm của PGS. Hồ Sĩ Quý, Trung tâm Văn hóa doanh nhân: “Văn hóa doanh nhân là tập hợp của những giá trị căn bản nhất, những khuôn mẫu văn hóa xác lập nên nhân cách của con người doanh nhân”.
“Đó là con người của khát vọng làm giàu, biết cách làm giàu và dấn thân để làm giàu, dám chịu trách nhiệm, dám chịu rủi ro đem toàn bộ tâm hồn, nghị lực và sự nghiệp của mình ra để làm giàu cho mình, cho doanh nghiệp và cho xã hội”.

3 yếu tố tác động tới văn hóa doanh nhân
Yếu tố văn hóa
Văn hóa là yếu tố cơ bản nhất và quan trọng nhất ảnh hưởng đến nhân cách của một con người. Văn hóa của môi trường sống chính là cái nôi nuôi dưỡng văn hóa cá nhân, chúng có ảnh hưởng sâu rộng đến nhận thức và hành động của doanh nhân trên thương trường.
Mỗi doanh nhân trong nền văn hóa xã hội khác nhau phải thích nghi với môi trường văn hóa xã hội đó. Môi trường tự nhiên khác nhau cũng hình thành nên văn hóa của doanh nhân cũng khác nhau, tùy vào điều kiện tự nhiên, xã hội của doanh nhân.
Yếu tố kinh tế
Yếu tố kinh tế ảnh hưởng quyết định đến việc hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân.
Do vậy, văn hóa của doanh nhân hình thành và phát triển phụ thuộc vào mức độ phát triển của nền kinh tế. Chúng mang đặc thù của lĩnh vực mà doanh nhân hoạt động kinh doanh.
Nền kinh tế càng phát triển, việc trao đổi hàng hóa ngày càng tăng, tầng lớp doanh nhân ngày càng đông đảo. Điều này dẫn đến việc hình thành các giá trị văn hóa mới do sự sáng tạo, giao thoa, học hỏi lẫn nhau trong quá trình kinh doanh.
Đây là cơ sở giúp doanh nhân nâng cao các giá trị văn hóa bản thân, cộng đồng, quốc gia. Ngược lại, nền kinh tế kém phát triển, tầng lớp doanh nhân ít, yếu kém, dẫn tới văn hóa doanh nhân chỉ phát triển ở trình độ thấp.
Yếu tố chính trị, pháp luật
Với mỗi chế độ chính trị khác nhau, pháp luật khác nhau, giai cấp thống trị lại có quan điểm, cách nhìn nhận khác nhau về quản lý xã hội và lựa chọn chiến lược phát triển đất nước.
Hoạt động kinh doanh của doanh nhân phải tuân theo hệ thống thể chế chính trị. Các thể chế chính trị sẽ định hướng, chi phối sự phát triển doanh nhân ở các lĩnh vực khác nhau, các cấp độ khác nhau.

4 bộ phận cấu thành của văn hóa doanh nhân
Năng lực của doanh nhân
Năng lực doanh nhân là một yếu tố rất quan trọng trong việc thành công hay thất bại của doanh nhân trên thương trường.
Chúng bao gồm cả năng lực làm việc trí tuệ và thể chất của các doanh nhân, thường được biểu hiện qua các khía cạnh sau:
Trình độ chuyên môn;
Năng lực lãnh đạo;
Trình độ quản trị kinh doanh.
Tố chất của doanh nhân
Tố chất của doanh nhân là năng lực giúp cho các doanh nhân có thể đưa ra các quyết định thành công trong hoạt động kinh doanh, bao gồm:
Tầm nhìn chiến lược;
Khả năng thích ứng với môi trường, nhạy cảm, linh hoạt sáng tạo;
Tính độc lập, quyết đoán, tự tin;Khả năng quan hệ xã hội;
Có nhu cầu về sự thành đạt;
Say mê, yêu thích kinh doanh, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, có đầu óc kinh doanh.
Đạo đức của doanh nhân
Tư cách đạo đức của doanh nhân là một yếu tố mang tính định hướng cho việc hình thành văn hóa doanh nhân, bao gồm:
Đạo đức của một con người;
Xác định hệ thống giá trị đạo đức làm nền tảng hoạt động;
Nỗ lực vì sự nghiệp chung;
Kết quả công việc và mức độ đóng góp cho xã hội.
Phong cách doanh nhân
Phong cách doanh nhân là những thói quen của các doanh nhân trong quá trình hoạt động kinh doanh. Phong cách lãnh đạo là một yếu tố quan trọng trong những yếu tố tạo nên sự thành công của doanh nghiệp.

Mối quan hệ giữa văn hóa doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp
Nếu ví doanh nghiệp như một con tàu thì doanh nhân đóng vai trò như một thuyền trưởng.
Nói cách khác, doanh nhân là linh hồn của doanh nghiệp và là người góp phần chính tạo nên văn hóa doanh nghiệp. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, văn hóa doanh nghiệp chính là văn hóa của doanh nhân hay văn hóa của người lãnh đạo doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp phản ánh rõ văn hóa của người lãnh đạo doanh nghiệp. Họ không chỉ người quyết định cơ cấu tổ chức, công nghệ của doanh nghiệp mà còn là người sáng tạo ra các biểu tượng, ý thức hệ, ngôn ngữ, niềm tin, nghi lễ và huyền thoại của doanh nghiệp.
Qua quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp, văn hóa của người lãnh đạo sẽ phản chiếu lên văn hóa doanh nghiệp.
Những gì nhà lãnh đạo quan tâm, khuyến khích thực hiện, cách thức mà người lãnh đạo đánh giá, khen thưởng hoặc khiển trách nhân viên sẽ thể hiện cách suy nghĩ và hành vi của họ. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi của toàn bộ nhân viên dưới quyền.
Doanh nhân là người tạo ra môi trường cho các cá nhân khác phát huy tính sáng tạo, là người góp phần mang đến không gian tự do, bầu không khí ấm cúng trong doanh nghiệp.
Họ là những người có vai trò quyết định văn hóa doanh nghiệp thông qua việc kết hợp hài hòa các lợi ích để doanh nghiệp trở thành ngôi nhà chung, con thuyền vận mệnh của tất cả mọi thành viên.
Qua đó, doanh nhân còn đóng vai trò người nghệ sĩ, vẽ lên hình ảnh của doanh nghiệp thông qua vai trò đại diện cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, khi một nền kinh tế chuyển sang nền kinh tế thị trường, thành công lớn nhất là bước chuyển biến về nhận thức.
Trong đó, các doanh nhân có khả năng thay đổi về tư duy, tạo khả năng thay đổi hoàn toàn văn hóa của doanh nghiệp và tạo ra một sức sống mới, tạo bước nhảy vọt trong hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nào có chuyển biến nhanh mới thích nghi được trên thương trường. Điều này đồng thời tạo nên sự thay đổi có tính chất bước ngoặt cho sự phát triển của đội ngũ doanh nhân.
Bên cạnh đó, doanh nhân góp phần tích cực trong việc đóng góp kinh nghiệm, giá trị văn hóa học hỏi được trong quá trình xử lý các vấn đề chung.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ sử dụng kinh nghiệm để đạt hiệu quả quản trị cao, tạo nên môi trường văn hóa hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của doanh nghiệp.

Hệ thống tiêu chuẩn đánh giá văn hóa doanh nhân
Tiêu chuẩn về đạo đức
Doanh nhân là con người trong xã hội và trước hết là con người làm kinh doanh. Họ có học thức và phụng sự sự nghiệp kinh doanh liên quan đến an nguy của tổ chức và nhiều người khác.
Chúng ta có thể khái quát các chuẩn mực đạo đức kinh doanh của một doanh nhân, bao gồm:
Tính trung thực
Tính trung thực là sự tôn trọng sự thật lẽ phải, đây là chân lý trong cách cư xử của con người, là cơ sở đảm bảo cho các mối quan hệ xã hội tốt đẹp.
Nhờ có tính trung thực, doanh nhân mới xây dựng được một trong những nội dung cốt lõi của các quan hệ xã hội. Đó là sự tin cậy mà trong kinh doanh gọi là chữ “tín”.
Chữ tín là đức tính hàng đầu của doanh nhân trong hoạt động kinh doanh, giúp họ có thể giao hảo hợp tác với các đối tác, khách hàng và cộng đồng xung quanh doanh nghiệp.
Tính nguyên tắc
Tính nguyên tắc là sự định hướng vào những nguyên tắc cơ bản của con người.
Nguyên tắc đạo đức cơ bản trong quan hệ xã hội là chân, thiện, mỹ để mang đến lợi ích cho mọi người.
Trong kinh doanh chân, thiện, mỹ và lợi ích là nguyên tắc hay kim chỉ nam cho đạo đức của doanh nhân.
Tính khiêm tốn
Tính khiêm tốn là đức tính luôn biết đặt mình vào đúng vị trí của cá nhân trong tập thể và xã hội.
Một doanh nhân khiêm tốn không bao giờ tự đề cao cái tôi. Họ gần gũi với mọi người xung quanh và tạo nên không khí cởi mở trong môi trường doanh nghiệp.
Tính khiêm tốn có dáng vẻ hiền hòa, dễ mến và dễ được tập thể tin cậy.
Tính khiêm tốn còn giúp cho doanh nhân tránh được hai cực đoan của chủ nghĩa cá nhân và sự kiêu ngạo, góp phần cơ bản cho thành công của doanh nhân.
Lòng dũng cảm
Lòng dũng cảm là đức tính dám đương đầu với thử thách gian nan, dám đối đầu với hiểm nguy để vươn tới cái thiện, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tập thể và bản thân.
Chữ “dũng” ở đây còn có nghĩa là dám nhận trách nhiệm về những sai lầm của bản thân và dám đấu tranh với những sai trái đó. Lòng dũng cảm là một đức tính cần có của doanh nhân, dám làm dám chịu.

Tiêu chuẩn về sức khỏe
Sức khỏe là yếu tố quan trọng hàng đầu để doanh nhân có thể theo đuổi một sự nghiệp chứa đựng nhiều thử thách cam go và cạnh tranh khốc liệt.
Sức khỏe của doanh nhân được hiểu là:
Một là thể chất không bệnh tật;
Hai là tinh thần không bệnh hoạn;
Ba là trí tuệ không tăm tối;
Bốn là tình cảm không cực đoan;
Năm là lối sống không sa đọa.
Con người không phải là một động cơ vĩnh cửu chỉ biết làm việc, mà con người có những giai đoạn phát triển cũng như suy thoái về thể trạng sức khỏe.
Doanh nhân có một thể trạng tốt, tinh thần minh mẫn, đồng nghĩa họ đã có một kho báu vô cùng quý giá mà không có gì có thể thay thế được. Do vậy, doanh nhân không nên theo đuổi tài sản bên ngoài mà phải coi trọng và tăng cường tài sản lớn nhất của mình, đó là sức khỏe.

Tiêu chuẩn về trình độ và năng lực
Trình độ chuyên môn của doanh nhân là yếu tố quan trọng giúp doanh nhân giải quyết vấn đề trong điều hành công việc, thích ứng và tìm giải pháp phù hợp với những vướng mắc có thể xảy ra.
Trình độ chuyên môn bao gồm bằng cấp, trình độ chuyên môn, kiến thức xã hội, kiến thức kỹ thuật nghiệp vụ và kiến thức ngoại ngữ. Tuy nhiên, chúng chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ.
Nếu doanh nhân tạm hài lòng với học vấn mà mình đang có, không chú trọng học hỏi thêm thì chắc chắn người đó không thể bắt kịp với tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật hiện nay.

Năng lực của doanh nhân là năng lực làm việc
Năng lực lãnh đạo là khả năng định hướng và điều khiển người khác hành động để thực hiện những mục đích nhất định.
Lãnh đạo là quá trình tác động đến con người để làm cho họ nhiệt tình, phấn đấu đạt được các mục tiêu của tổ chức.
Lãnh đạo là hướng dẫn, điều khiển, ra lệnh và làm gương.
Để lãnh đạo, trước hết doanh nhân phải có định hướng cho mục tiêu lâu dài. Cao hơn, doanh nhân là những người đề ra tầm nhìn chiến lược và thực thi chiến lược đó bằng một kế hoạch rõ ràng. Kế hoạch và định hướng này giúp cho doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên thị trường và phát triển lâu dài.
Năng lực lãnh đạo của doanh nhân còn thể hiện ở chỗ họ đưa ra quyết định nên tập trung nguồn lực của công ty ở đâu, đầu tư vào lĩnh vực nào thì đem lại lợi nhuận tối đa.
Năng lực lãnh đạo của doanh nhân còn thể hiện khả năng chèo lái con thuyền doanh nghiệp, bằng cách tác động tới nhân viên và thay đổi suy nghĩ của họ, để cùng nhau thực hiện được những cam kết về hướng phát triển mới của công ty.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp còn đóng vai trò phát huy toàn bộ năng lực, tiềm năng của nhân viên. Đây là yếu tố quan trọng cho sự thành công liên tục và giàu mạnh của doanh nghiệp.
Năng lực quản lý kinh doanh giúp doanh nhân thực hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp mình.
Hoạt động quản trị kinh doanh bao gồm năm chức năng chính:
Lập kế hoạch;
Ra quyết định;
Tổ chức;
Điều hành;
Kiểm soát.
Doanh nhân là người có trình độ quản lý kinh doanh đồng thời cũng là người có năng lực ra quyết định. Thậm chí, họ còn ra những quyết định sống còn đề chèo lái con thuyền doanh nghiệp, thoát khỏi những khủng hoảng trầm trọng và hướng tới những thành công nhất định trong tương lai.

Tiêu chuẩn về phong cách
Tiêu chuẩn về phong cách là tiêu chuẩn rất quan trọng, vì chúng là chất riêng của mỗi doanh nhân. Tiêu chuẩn phong cách không thể thay thế, không thể ủy quyền và cũng không thể bỏ tiền ra mua.
Đối với tinh thần làm việc, doanh nhân có khả năng tham gia vào mọi việc có thể, chu đáo với công việc và thực hiện đến cùng mục đích của công việc.
Trong quan hệ giao tiếp ứng xử, doanh nhân luôn ở đúng vị trí, chức danh của mình, phát hiện và giải quyết các bất cập, đồng thời dẫn dắt mọi người đi vào cơ hội mới.
Trong việc đánh giá và giải quyết vấn đề, nhà kinh doanh luôn chú ý đến hiện tại biết được cái gì là quan trọng, đồng thời hiểu và xác định bản chất, xu thế của các mâu thuẫn.

Tiêu chuẩn về thực hiện trách nhiệm xã hội
Trách nhiệm xã hội của doanh nhân là những nghĩa vụ mà doanh nhân phải thực hiện đối với xã hội, nhằm đạt được nhiều nhất các tác động tích cực và giảm tối thiểu các tác động tiêu cực đối với xã hội.
Trách nhiệm xã hội của doanh nhân có thể được coi là một sự cam kết của họ đối với xã hội.
Về cơ bản, trách nhiệm xã hội của doanh nhân bao gồm nghĩa vụ về kinh tế, pháp lý, đạo đức và nhân văn.
Trong đó, nghĩa vụ về kinh tế của doanh nhân là quan tâm đến cách thức phân bổ, bảo tồn, phát triển trong hệ thống doanh nghiệp, xã hội các nguồn lực được sử dụng để làm ra sản phẩm và dịch vụ.
Nghĩa vụ về pháp lý trong trách nhiệm xã hội đòi hỏi doanh nhân tuân thủ quy định của luật pháp như một yêu cầu tối thiểu.
Nghĩa vụ đạo đức trong trách nhiệm xã hội của doanh nhân được thể hiện thông qua các tiêu chuẩn, chuẩn mực hay kỳ vọng. Chúng phản ánh mối quan tâm của các đối tượng liên quan trong và ngoài doanh nghiệp.
Nghĩa vụ nhân văn của doanh nhân là nghĩa vụ liên quan đến đóng góp cho cộng đồng và xã hội.

Thông qua bài giảng văn hóa doanh nghiệp Chương IV, doanh nhân không chỉ nắm bắt kiến thức lý thuyết mà còn hiểu cách ứng dụng văn hóa vào thực tiễn quản trị. Đây là nền tảng cần thiết cho mọi cá nhân trong môi trường tổ chức hiện đại.