Đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp quyết định sự sống còn, phát triển, giá trị và niềm tin của người tiêu dùng. Vì mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp, Chủ doanh nghiệp cần nắm rõ và xây dựng nền tảng này đúng đắn ngay từ đầu.
Đạo đức kinh doanh là gì?
Khái niệm về đạo đức
Đạo đức là tập hợp các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội nhằm điều chỉnh, đánh giá hành vi của con người đối với bản thân và trong quan hệ với người khác, với xã hội.
Theo từ điển Điện tử American Heritage Dictionary, đạo đức là một bộ môn khoa học nghiên cứu về bản chất tự nhiên của cái đúng, cái sai, phân biệt khi lựa chọn giữa cái đúng, cái sai, triết lý về cái đúng, cái sai và quy tắc hay chuẩn mực chi phối hành vi của các thành viên cùng một nghề nghiệp.
Đạo đức quy định thái độ, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân cũng như đối với người khác và xã hội. Vì thế đạo đức là khuôn mẫu, tiêu chuẩn để xây dựng lối sống, lý tưởng mỗi người.
Những chuẩn mực và quy tắc đạo đức gồm thiện và ác. Trong đó thiện là độ lượng, khoan dung, chính trực, khiêm tốn, dũng cảm, trung thực, tín. Ác là tàn bạo, tham lam, kiêu ngạo, hèn nhát, phản bội, bất tín.

Khái niệm đạo đức kinh doanh
Đạo đức kinh doanh là tập hợp các nguyên tắc, chuẩn mực có tác dụng điều chỉnh, đánh giá, hướng dẫn và kiểm soát hành vi của các chủ thể kinh doanh. Đạo đức kinh doanh chính là đạo đức được vận dụng vào trong hoạt động kinh doanh.
Vì kinh doanh là hoạt động gắn liền với các lợi ích kinh tế nên đạo đức kinh doanh có tính đặc thù của hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó khía cạnh thể hiện trong ứng xử về đạo đức cũng không hoàn toàn giống các hoạt động khác.
Tính thực dụng, coi trọng hiệu quả kinh tế là những đức tính tốt của giới kinh doanh, nhưng nếu áp dụng sang các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế… hoặc sang các quan hệ xã hội khác như vợ chồng, cha mẹ, con cái thì đó lại là những thói xấu bị xã hội phê phán.
Song cần lưu ý rằng, đạo đức kinh doanh vẫn luôn phải chịu sự chi phối bởi một hệ giá trị và chuẩn mực đạo đức xã hội chung.

Các nguyên tắc và chuẩn mực của đạo đức kinh doanh
Hoạt động kinh doanh luôn gắn liền với lợi ích kinh tế và nền đạo đức kinh doanh cũng có những đặc trưng riêng của chúng.
Chẳng hạn, tính thực dụng, coi trọng hiệu quả kinh tế luôn là yêu cầu hàng đầu đặt ra đối với giới kinh doanh, nhưng đối với người khác, đôi khi lại là những biểu hiện không tốt.
Khi đánh giá đạo đức kinh doanh, người ta thường dựa vào các nguyên tắc và chuẩn mực về: Tính trung thực; Tôn trọng con người; Trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Tính trung thực
Tính trung thực trong kinh doanh có nghĩa là giữ lời hứa, giữ chữ tín, nhất quán trong lời nói và hành động, không dùng các thủ đoạn gian dối, xảo trá để kiếm lời.
Trung thực trong chấp hành luật pháp của nhà nước, không làm ăn phi pháp, không trốn thuế, lậu thuế, không sản xuất và buôn bán những mặt hàng quốc cấm.
Trung thực càng không thực hiện những dịch vụ có hại cho thuần phong mỹ tục. Trung thực trong giao tiếp với bạn hàng giao dịch, đàm phán, ký kết và người tiêu dùng.
Trung thực là nói không với việc làm hàng giả, khuyến mại giả, quảng cáo sai sự thật, sử dụng trái phép những nhãn hiệu nổi tiếng, vi phạm bản quyền, phá giá theo lối ăn cướp, trung thực ngay với bản thân, không hối lộ, tham ô…

Tôn trọng con người
Đối với những người cộng sự và dưới quyền là tôn trọng phẩm giá, quyền lợi chính đảng, tôn trọng hạnh phúc, tôn trọng tiềm năng phát triển, quan tâm đúng mức, tôn trọng quyền tự do và các quyền hạn hợp pháp khác.
Đối với khách hàng là tôn trọng nhu cầu, sở thích và tâm lý khách hàng.
Đối với đối thủ cạnh tranh là tôn trọng lợi ích của đối thủ.
Trách nhiệm với cộng đồng, xã hội
Trách nhiệm với cộng đồng, xã hội là luôn gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của xã hội, tích cực góp phần giải quyết những vấn đề chung của xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là tham gia vào các chương trình trợ giúp các đối tượng xã hội như hỗ trợ người tàn tật, trẻ em mồ côi, xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào lũ lụt và thiên tai… Những điều này là đúng nhưng hoàn toàn chưa đủ.
Mặc dù các hoạt động xã hội là một phần quan trọng thuộc trách nhiệm của công ty, nhưng một doanh nghiệp phải dự đoán, đo lường được những tác động của xã hội, môi trường hoạt động của doanh nghiệp và phát triển những chính sách giúp giảm bớt những tác động tiêu cực.
Đồng thời trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còn là cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững, hợp tác cùng người lao động, gia đình họ, cộng đồng và xã hội nói chung. Từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống cho họ, sao cho vừa tốt cho doanh nghiệp, vừa ích lợi cho phát triển.
Nếu doanh nghiệp sản xuất xe hơi thì phải tính toán được ngay cả năng lượng mà cơ sở tiêu thụ và tìm cách cải thiện chúng. Nếu doanh nghiệp sản xuất giấy thì phải xem chất thải ra bao nhiêu và tìm cách xử lý chúng.

Vai trò của đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp
Đạo đức kinh doanh rất quan trọng và cần thiết trong hoạt động kinh tế xã hội ngày nay.
Các doanh nhân cần ý thức rõ ràng về phạm trù đạo đức cơ bản, phổ biến trong truyền thống luân lý tốt đẹp của dân tộc ta từ xưa như sự phân biệt thiện, ác, lương tâm, nghĩa vụ, nhân đạo…
Một doanh nghiệp sẽ thịnh vượng khi được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo vừa có tầm vừa có tâm. Vì vậy ngoài tích lũy, đầu tư cho bản thân những kiến thức kinh doanh, doanh nhân cần tiếp thu những chuẩn mực đạo đức mới để áp dụng vào kinh doanh như tính trung thực, tính tập thể,…
Các chuẩn mực đạo đức kinh doanh là cơ sở tình cảm và trí tuệ cụ thể định hướng trong các hoạch định của tổ chức kinh doanh, nhằm đảm bảo được sự phát triển kinh tế xã hội cho doanh nghiệp của mình.

Vai trò của đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp đối với doanh nghiệp
Đạo đức kinh doanh góp phần điều chỉnh hành vi của chủ thể kinh doanh.
Đạo đức kinh doanh kết hợp với pháp luật điều chỉnh các hành vi kinh doanh theo khuôn khổ pháp luật và quỹ đạo của các chuẩn mực đạo đức xã hội.
Pháp luật chính là chuẩn mực cho mọi hành vi của đạo đức kinh doanh. Tuy nhiên pháp luật không thể thay thế vai trò của đạo đức kinh doanh trong việc khuyến khích mọi người làm việc thiện, tác động vào lương tâm của doanh nhân.
Đạo đức kinh doanh bao quát mọi lĩnh vực của thế giới tinh thần, trong khi pháp luật chỉ điều chỉnh những hành vi liên quan đến chế độ nhà nước, chế độ xã hội…
Pháp luật càng đầy đủ, chặt chẽ và được thi hành nghiêm chỉnh thì đạo đức càng được đề cao, càng hạn chế được sự kiến lợi phi pháp, tham nhũng, buôn lậu…
Một khi hành vi phạm pháp bại lộ sẽ bị pháp luật trừng trị, lúc này “hiện tượng kiện tụng buộc người ta phải cư xử có đạo đức.”
Sự tồn vong của doanh nghiệp không chỉ do chất lượng của bản thân sản phẩm/dịch vụ cung ứng mà còn chủ yếu do phong cách kinh doanh của doanh nghiệp.
Hành vi kinh doanh thể hiện tư cách của doanh nghiệp và chính tư cách ấy tác động trực tiếp đến sự thành bại của tổ chức. Đạo đức kinh doanh trong chiều hướng ấy, trở thành một nhân tố chiến lược trong việc phát triển doanh nghiệp.
Các tổ chức phát triển trong một môi trường trung thực và công bằng sẽ gây dựng được nguồn lực đáng quý, có thể mở rộng cánh cửa dẫn đến thành công.
Các tổ chức được xem là có đạo đức thường sở hữu nền tảng là các khách hàng trung thành cũng như đội ngũ nhân viên vững mạnh, bởi mọi người luôn tin tưởng và phụ thuộc lẫn nhau trong mối quan hệ.
Nếu các nhân viên hài lòng thì khách hàng sẽ hài lòng và nếu khách hàng hài lòng thì các nhà đầu tư sẽ hài lòng.
Khách hàng có xu hướng thích mua hàng của các công ty liêm chính hơn. Đặc biệt là khi giá cả của công ty đó cũng bằng với giá cả của các công ty đối thủ.
Khi nhân viên cho rằng tổ chức của mình có một môi trường đạo đức, họ sẽ tận tâm hơn và hài lòng với công việc của mình hơn.
Các công ty cung ứng thường muốn làm ăn lâu dài với công ty mà họ tin tưởng, để qua hợp tác họ có thể loại trừ sự không hiệu quả, các chi phí và những nguy cơ, để có thể làm hài lòng khách hàng.
Các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến vấn đề đạo đức, trách nhiệm xã hội và uy tín của các công ty mà họ đầu tư, cũng như các công ty quản lý tài sản có thể giúp các nhà đầu tư mua cổ phiếu của các công ty có.

Đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp là gì?
Khái niệm văn hóa
Văn hóa được định nghĩa là: “Hành vi của những năng lực đạo đức và tư duy phát triển, đặc biệt thông qua giáo dục”.
Cũng có một số định nghĩa khác về văn hóa như: “Văn hóa là những nguyên tắc về đạo đức, xã hội và hành vi ứng xử của một tổ chức dựa trên những tín ngưỡng, tư tưởng và sự ưu tiên của những thành viên của tổ chức ấy”.
Văn hóa được hiểu theo rất nhiều cách khác nhau. Ở mức chung nhất, chúng ta hoàn toàn có thể phân biệt hai cách hiểu: Văn hóa theo nghĩa hẹp và văn hóa theo nghĩa rộng.
Xét về phạm vi, văn hóa theo nghĩa hẹp thường được đồng nhất với văn hóa tinh hoa. Văn hóa tinh hoa là một kiểu văn hóa chứa những giá trị đáp ứng các nhu cầu bậc cao của con người. Theo nghĩa trên, văn hóa thường được đồng nhất với các loại hình nghệ thuật, văn chương.
Xét về hoạt động, văn hóa theo nghĩa hẹp thường được đồng nhất với văn hóa ứng xử. Theo hướng này, văn hóa thường được hiểu là cách sống, cách nghĩ và cách đối xử với người xung quanh.
Văn hóa là những gì người ta có thể nhận được bằng giáo dục và có thể lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Văn hóa kinh doanh
Văn hóa kinh doanh là toàn bộ các giá trị văn hóa được chủ thể kinh doanh sử dụng và tạo ra trong hoạt động kinh doanh tạo nên bản sắc kinh doanh của chủ thể đó.
Văn hóa kinh doanh không chỉ là văn hóa mà các chủ thể kinh doanh sử dụng trong kinh doanh của họ mà còn là giá trị sản phẩm văn hóa mà các chủ thể kinh doanh sáng tạo ra trong hoạt động kinh doanh của họ.
Theo đó, văn hóa kinh doanh ở đây được xem xét trên hai phương diện:
Một là cách thức, mức độ mà doanh nhân, doanh nghiệp sử dụng trong quá trình kinh doanh của họ.
Hai là sản phẩm và những giá trị văn hóa mà các doanh nhân, doanh nghiệp tạo ra trong hoạt động kinh doanh của họ.
Văn hóa kinh doanh là những giá trị văn hóa gắn liền với hoạt động kinh doanh, được thể hiện:
Trong hình thức mẫu mã, chất lượng sản phẩm, trong thông tin quảng cáo về sản phẩm;
Trong cửa hàng bày bán sản phẩm, trong cách chọn và cách bố trí máy móc và dây chuyền công nghệ;
Trong cách tổ chức bộ máy về nhân sự;
Trong quan hệ giao tiếp ứng xử giữa các thành viên trong doanh nghiệp;
Trong phong cách giao tiếp ứng xử của người bán đối với người mua;
Trong tâm lý và thị hiếu tiêu dùng.
Rộng ra là trong cả quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh, phương thức tiến hành kinh doanh, phương thức quản lý kinh doanh với toàn bộ các khâu, các điều kiện liên quan, nhằm tạo ra những chất lượng, hiệu quả kinh doanh nhất định.
Trong quan hệ giữa các doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh có thể bao gồm môi trường kinh doanh trong thị trường, những quy tắc ứng xử được các đối tác cùng chia sẻ, hoặc những truyền thống hay thói quen có tính đặc thù cho từng thị trường, từng nước hay từng nhóm đối tác.
Các giá trị văn hóa này được dùng để đánh giá hành vi. Do đó chúng được chia sẻ và phổ biến rộng rãi giữa các thế hệ thành viên trong doanh nghiệp như một chuẩn mực để nhận thức, tư duy và cảm nhận trong mối quan hệ với các vấn đề mà họ phải đối mặt.
Văn hóa kinh doanh không chỉ tạo ra tiêu chí cho cách thức kinh doanh hằng ngày mà còn tạo ra những khuôn mẫu chung về quan điểm và động cơ trong kinh doanh. Văn hóa kinh doanh là những nét văn hóa rất được chú trọng trong các quốc gia công nghiệp hóa nhanh và thành công.

Văn hóa doanh nhân
Văn hóa doanh nhân là một bộ phận cấu thành của văn hóa doanh nghiệp, nhưng văn hóa doanh nhân thể hiện một số điểm khác biệt và không thuộc văn hóa doanh nghiệp.
Doanh nhân là người đưa ra những quyết định trong việc hướng doanh nghiệp theo một đường lối, phương hướng nhất định. Văn hóa doanh nhân có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của văn hóa doanh nghiệp.
Đó cũng là lý do tại sao mà những Công ty lớn ở Mỹ, khi tuyển lãnh đạo cao cấp, những người sáng lập Công ty hoặc Hội đồng quản trị, thường mời ứng viên đi chơi golf, đi chơi xa vài ngày ở khu biệt lập nào đó hoặc đến chơi tại gia đình.
Lúc bấy giờ, họ sẽ ngầm đánh giá những giá trị của ứng viên đó xem có phù hợp với văn hóa doanh nghiệp hay không.

Đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp
Mọi tổ chức đều có văn hóa và những giá trị độc đáo riêng của tổ chức đó.
Hầu hết các tổ chức đều không tự ý thức là phải cố gắng để tạo ra một nền văn hóa nhất định của mình.
Văn hóa của một tổ chức, doanh nghiệp thường được tạo ra một cách vô thức, dựa trên những tiêu chuẩn của những người điều hành đứng đầu hay những người sáng lập ra tổ chức đó.
Theo E.Heriôt: “Cái gì còn lại khi tất cả những cái khác bị quên đi – Cái đó là văn hóa”. Ðiều đó khẳng định rằng, văn hóa doanh nghiệp là một giá trị tinh thần và hơn thế nữa, đây là một tài sản vô hình của doanh nghiệp.
Nói cách khác, đó là toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp hay một tổ chức.
Chúng trở thành các giá trị, quan niệm và tập quán, thể hiện trong các hoạt động của doanh nghiệp ấy, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi ứng xử của mọi thành viên của doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp chính là chuẩn mực mà ở đó người ta sẽ quay quanh cái chuẩn mực đó để có hành vi ứng xử.
Văn hóa doanh nghiệp bao gồm các yếu tố pháp luật và đạo đức. Văn hóa doanh nghiệp không thể hình thành một cách tự phát mà phải được hình thành thông qua nhiều hoạt động của bản thân mỗi doanh nghiệp, mỗi doanh nhân, của Nhà nước và các tổ chức xã hội.
Văn hóa doanh nghiệp được hiểu là toàn bộ các quy tắc ứng xử, cách nghĩ, chuẩn mực, đường lối kinh doanh… có tác dụng đặt dấu ấn tới hành vi, thái độ, niềm tin và quan hệ của các thành viên, cao hơn nữa là hình ảnh của một doanh nghiệp trên thương trường.

Để có thể tồn tại một cách giá trị, ý nghĩa và đầy tự hào trong thời đại hiện nay, mỗi doanh nghiệp cần phải rạch ròi, áp dụng đúng đắn đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp. Tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là phục vụ lợi ích người tiêu dùng và sự phát triển vững bền của doanh nghiệp.