Sạn vôi được xem là bệnh lành tính ở mắt, hiếm khi gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến thị lực. Nhưng không nên vì vậy mà chủ quan, phải thăm khám và điều trị ngay để tránh gây những hậu quả đáng tiếc.
1. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra bệnh sạn vôi ở mắt là do có sự lắng đọng canxi ở kết mạc mi mắt. Sự lắng đọng canxi lâu ngày khiến trên vùng mí mắt xuất hiện các cục sạn vôi nhỏ li ti và các hạn sạn này có xu hướng bị đẩy ra ngoài khiến bệnh nhân bị chói, cộm, nhức mắt, nhất là mỗi lần chớp mắt càng thấy nhức.
Mắt bị viêm lâu ngày do môi trường bẩn, không giữ vệ sinh mắt đúng cách, để mắt đỏ hoặc viêm lèm nhèm. Những người hay bị chắp, lẹo cũng dễ bị sạn vôi.
2. Triệu chứng của bệnh
Nếu sạn vôi ít hoặc nhỏ có thể không có triệu chứng gì, chỉ tình cờ phát hiện khi khám mắt. Nếu sạn vôi nhiều hoặc to, biểu hiện thường gặp là cảm giác cộm mắt giống như bị bụi lọt vào mi mắt. Bệnh nhân phải chớp mắt nhiều lần, dụi mắt chảy nước mắt, trong khi đó thị lực vẫn bình thường.
Khi lộn mí mắt lên, nếu thấy xuất hiện những hạt màu trắng, màu vàng ở phần sụn mi.
Nếu sạn nằm sâu trong kết mạc thì không gây đau, nếu sạn nằm trồi lên sẽ làm bệnh nhân đau, cộm và rất khó chịu.
3. Phương pháp điều trị
Những người bị mắc sạn vôi nên đi khám và điều trị theo liệu trình điều trị mà bác sĩ đưa ra, không tự ý lấy sạn, điều đó rất dễ làm nhiễm trùng mắt và bệnh tình ngày càng nặng hơn.
Lấy sạn vôi nếu được điều trị đúng phương pháp sẽ đơn giản, nhanh chóng. Những người có hiện tượng vôi mắt khiến người bệnh khó chịu, nhức mắt nên đến bệnh viện để thăm khám sớm.
Người bệnh cũng cần phải chú ý, sau khi lấy sạn vôi cần nhỏ thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tùy tiện sử dụng những loại thuốc khác nhau.
Điều trị bệnh vôi mắt, chỉ cần làm tiểu phẫu lấy vôi. Bác sĩ sẽ tiến hành gây tê vùng kết mạc, dùng mặt vát của kim chích để nạo vôi. Sau khi lấy vôi xong, bệnh nhân được dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm.