Viêm giác mạc sợi là một trong những bệnh lý rất thường gặp ở mắt, là bệnh nguy hiểm, có thể để lại những di chứng nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của người bệnh.
Như chúng ta đã biết, nước mắt không chỉ hoàn toàn là nước. Nó còn chứa thành phần enzyme, chất béo, metabolites, chất điện giải và nhóm Protein bao gồm lopocalin, lactoferrin và lysozyme. Nước mắt chảy ra do những dị vật vô tình bay vào hoặc do khóc vì cảm xúc chi phối sẽ có nồng độ Protein không giống nhau. Mỗi lần khi ta chớp mắt, nước mắt trộn lẫn với dầu, chất nhầy và bao phủ đều trên bề mặt của giác mạc tạo lên một lớp màng mỏng. Nếu lớp màng này bị khô đi quá nhanh khiến giác mạc xuất hiện những chấm nông. Những chấm nông nhỏ liên kết với nhau tạo thành rãnh. Lâu ngày, lượng chất nhầy sẽ đọng lại trong các rãnh này tạo nên những sợi gọi là viêm giác mạc sợi gây cảm giác xốn và đau nhói ở mắt người bị bệnh. Đó là bệnh lý của người mắc viêm giác mạc sợi.
1. Nguyên nhân gây bệnh
Những thói quen không tốt trong sinh hoạt và làm việc:
Đọc sách báo, coi ti vi thường xuyên trong môi trường thiếu ánh sáng, cự li quan sát quá gần hoặc quá xa khiến mắt phải điều tiết mệt mỏi. Nhất là những ai làm việc tại văn phòng ngồi trước máy tính nhiều giờ đồng hồ, lúc nào cũng căng thẳng và không ngủ đủ giấc nên mắt khô mỏi.
– Yếu tố môi trường:
Thường xuyên tiếp xúc với môi trường bụi bẩn, không khí, thời tiết hanh khô, thường xuyên dùng quạt và điều hòa.
– Độ tuổi và nội tiết tố:
Chức năng tuyến lệ sẽ suy giảm theo tuổi tác, người trung niên, lớn tuổi khả năng tiết nước mắt sẽ giảm nhiều so với người còn trẻ. Phụ nữ sau thời kì sinh nở cũng thường bị khô mắt.
– Ảnh hưởng do những ca phẫu thuật về mắt:
Những người bị cận thị, hay mắc các bệnh về mắt cần phải mổ, sau khi điều trị mổ laser một số người sẽ bị giảm sản xuất nước mắt gây nên tình trạng khô mắt tạm thời.
2. Phương pháp điều trị
Bệnh viêm giác mạc sợi khiến mắt bạn rất mệt mỏi, vì vậy hãy đến gặp bác sĩ để điều trị, không nên tự ý điều trị tại nhà vì có thể làm cho tình trạng mắt diễn biến xấu đi.
Điều trị viêm giác mạc sợi do khô mắt: cách điều trị chủ yếu là sử dụng các chất bôi trơn, giữ ẩm như nước mắt nhân tạo và các chất dinh dưỡng ổn định tế bào biểu mô. Thuốc trị viêm giác mạc được sử dụng chủ yếu là nước mắt nhân tạo. Ban ngày ,bạn có thể nhỏ mắt dạng dung dịch 6-10 lần. Ban đêm trước khi ngủ, bạn dùng thuốc dạng mỡ để có tác dụng kéo dài. Thuốc uống, bạn nên sử dụng vitamin A tùy theo hàm lượng chỉ định.
Để chữa dứt hẳn, cách duy nhất là điều trị nguyên nhân, các bệnh lý trên (hở mi, liệt dây thần kinh số VII…)
Nếu tình trạng dai dẳng hoặc tái phát có thể sử dụng kính sát tròng mềm loại đeo qua đêm để băng mắt giúp giảm bớt cảm giác kích thích, khó chịu và nhanh lành tổn thương.
Song song với việc điều trị, người bệnh cần tuân thủ một số yêu cầu sau:
– Không sử dụng máy tính hay xem tivi quá gần, quá lâu.
– Không thức khuya hay ngồi phòng máy lạnh suốt ngày.
– Ra đường luôn đeo kính mát hay kính bảo hộ để che chắn ánh nắng.
Bên cạnh đó, quá trình thay đổi thói quen sinh hoạt và làm việc khoa học để tránh cho mắt phải làm việc quá nhiều là điều vô cùng quan trọng. Hãy để mắt thư giãn bằng việc ngủ đủ từ 7 -8 tiếng mỗi ngày. Bổ sung nguồn dinh dưỡng cung cấp vitamin A tự nhiên cho mắt. Hạn chế đeo kính áp tròng và tập massage thư giãn cho đôi mắt, chườm ấm mắt hàng ngày.