Cận thị học đường hay còn gọi là căn bệnh khúc xạ học đường đang ngày càng phổ biến và ở mức báo động đối với các bậc phụ huynh. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2013, cả nước ta có gần 3 triệu trẻ em ở độ tuổi 0-15 tuổi bị mắc các tật khúc xạ cần được chỉnh kính. Trong đó, số trẻ em bị cận thị lên đến mức đáng báo động khi chiếm tới 2/3 tỷ lệ và chủ yếu tập trung ở khu đô thị với tỷ lệ là 30 – 35%.
Tìm hiểu về tật khúc xạ học đường
Tật khúc xạ thường xuất hiện ở lứa tuổi đang đi học, trong đó có tới 80% là cận thị nên người ta thường gọi chung là tật khúc xạ học đường. Những em học sinh khi mắc phải những tật khúc xạ thường sẽ cảm thấy khó khăn trong quá trình học tập và sinh hoạt hằng ngày.
Nguyên nhân mắc tật khúc xạ học đường
Việc học tập và sinh hoạt thiếu hợp lý: cường độ học tập ngày càng dày đặc cùng với môi trường ánh sáng không đảm bảo, tư thế ngồi học, bàn ghế không phù hợp khiến cho mắt dễ mỏi, mờ.
Công nghệ phát triển: trẻ sớm sử dụng các thiết bị điện tử để phục vụ cho học tập, giải trí, làm cho mắt phải điều tiết ở cự ly gần trong thời gian dài. Điều này dẫn đến nguy cơ suy giảm thị lực và cận thị cao, đặc biệt là lứa tuổi 7-9 tuổi và 12–14 tuổi.
Yếu tố di truyền: thông thường bố mẹ bị cận thị từ 6 diop trở lên thì mức độ di truyền là 100%.
Biểu hiện của người mắc tật khúc xạ học đường
Những người khi mắc các tật như cận thị thì sẽ cảm thấy khó khăn trong việc nhìn xa, mắt chỉ có thể nhìn gần được trong cự ly khoảng 2m tới 3m.
Còn đối với những trường hợp mắt bị viễn thị, loạn thị thì cho dù có nhìn xa hay nhìn gần cũng cảm thấy mờ.
Ngoài ra còn có những biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mắt lúc nào cũng có cảm giác mỏi và khó chịu.
Hạn chế tình trạng xấu đi của các tật khúc xạ học đường
Khi mắc các tật khúc xạ học đường người bệnh cần phải để cho mắt trở lại tình trạng thoải mái, tránh bị ra tăng độ cận.
Hiện nay có 3 phương pháp điều trị khúc xạ học đường phổ biến đó là đeo kính, mang kính tiếp xúc và phẫu thuật bằng Laser Excimer. Trong đó phương pháp phổ biến nhất vẫn là đeo kính vì khi chọn đeo kính vừa tiện lợi, rẻ tiền lại dễ thay đổi, phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Phương pháp phòng tránh các tật khúc xạ học đường
Để đôi mắt luôn sáng khỏe và tránh được nguy cơ gây ra tật khúc xạ học đường thì cần:
Cải thiện điều kiện học tập và sinh hoạt: đảm bảo góc học tập đủ ánh sáng và ngồi học đúng tư thế; thực hiện thời gian biểu học tập, nghỉ ngơi, vui chơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe, thư giãn thị giác. Khi học, cứ 1 giờ phải nghỉ 10 – 15 phút. Khi xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt.
Tư thế ngồi học thẳng lưng, hai chân khép để trên nền nhà, đầu cúi 10 – 15 độ. Cần bố trí chiều cao bàn ghế phù hợp để khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25cm với cấp tiểu học, 30cm với cấp trung học cơ sở và 35cm với học sinh trung học phổ thông.
Chế độ ăn uống giàu vitamin: bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, E, B,… như cà rốt, bí đỏ, cà chua, trứng, thịt, cá,… trong bữa ăn hằng ngày để nuôi dưỡng mắt. Nên hạn chế thức ăn chế biến sẵn, chiên xào nhiều dầu mỡ.
Khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng để xác định tật khúc xạ (cận thị) và các bệnh về mắt khác sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.
Sử dụng thuốc nhỏ mắt hàng ngày tốt cho mắt, trong đó có chứa vitamin và acid amin.